Thế hệ Saigon
Tôi gọi thế hệ mình là thế hệ Saigon, thay vì thế hệ mất mát ( dễ gợi nhớ sai lạc đến Lost genneration ) hay thế hệ tổn thương ( nghe có vẻ trầm uất ). Thế hệ miền Nam ra đời những năm sáu mươi đều mang trong mình ám ảnh : chiến tranh và đổi đời hậu chiến. Phần nhiều mất cha, những người đi không về. Phần nhiều kẹt vào chủ nghĩa lý lịch sau 1975. Phần nhiều đông anh chị em, nên phải đi lánh ( biên giới Tây Nam và phục viên với một mắt hỏng hay một chân cụt. Phần lớn học hành lỡ dở ( vì lý lịch xấu một phần ) , không quen được đường lối giáo dục " mới", phản kháng ở trường học, mặc cảm gia đình. Phần lớn bị xé đôi vì hai lực kéo: văn hóa salon Saigon cũ và văn hóa đổi đời. Phần lớn buồn bã, thu vào vỏ ốc, hoặc vờ hạnh phúc. Vờ hạnh phúc là chiến lược sống còn: ta không bị người thân để ý ( ừ nó cũng ổn mà !), ta kết bạn được để bớt cô độc, ta có công ăn việc làm, ta tự nuôi thân không ăn bám, không thành gánh nặng gia đình. Phần lớn là vậy, bạn bè tôi là vậy. Tôi cũng vậy.
Thế hệ chúng tôi ít người có tính quyết đoán, khá yếu đuối và buông xuôi. Có một giai đoạn tôi cũng vậy. Sợ đủ thứ. Sợ phản kháng và cũng sợ không - phản - kháng. sợ làm sai nhưng không cầm lòng làm đúng. Muốn đi đường riêng nhưng khiếp hãi sự cô độc. Tôi đã vượt qua tất cả những yếu đuối đớn hèn để thành một nghệ sĩ
Là nghệ sĩ là đi một mình một đường, do mình tự mở lối.
Là nghệ sĩ Việt đi một mình một đường, do mình tự mở, nhưng còn phải nuôi thân được và nuôi cả gia đình được nữa.
Khi đã làm được tất cả những điều trên, tôi tự hào đôi chút, chua chát đôi chút. Thế thôi.
Trích: Cuốn sổ trắng - Quốc Bảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét